Trích:
"Trại Giam Cổng Trời" (phần 3)
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2010-12-26
Trong hai bài trước quý vị đã được nhiều nhân chứng kể lại những hình khổ mà họ phải chịu khi họ hoàn toàn không làm một việc gì dù lớn dù nhỏ có phương hại đến xã hội, chính quyền cách mạng.
Photo courtesy of Nữ Vương Công Lý
Cổng Trời, Hà Giang
Trong bài này, quý vị sẽ được nghe nhân chứng tường thuật lại tại sao họ bị bắt và liệu nhà nước khi bắt họ như vậy đã dựa trên những yếu tố căn bản nào? Những nạn nhân khốn khổ của trại giam Cổng Trời là ai, và xã hội bên ngoài có ai biết sự giam giữ của họ trong trại giam kinh khủng này hay không, mời quý vị theo dõi.
Quay trở lại câu hỏi do đâu người cộng sản Việt Nam lại cương quyết xóa sổ đạo công giáo trong những ngày đầu tiên sau khi miền Bắc độc lập, mặc dù trước đó lịch sử đã ghi lại không sót một từ nào về hàng trăm cái chết của người công giáo dưới các triều đại nhà Nguyễn.
Lịch sử lập lại
Công an, dân phòng, cán bộ ngăn cản bà con làm sân nhà thờ Thái Nguyên - ảnh Nữ Vương Công Lý. Lịch sử giáo hội Việt Nam bị bách hại nhiều lần cho thấy lòng can đảm thà chết không bỏ đạo của hàng ngàn người công giáo miền Bắc. Dù bị bách hại đến đâu chăng nữa họ vẫn kiên nhẫn bám nhà thờ, bám cha xứ như người đắm tàu bám phao cứu sinh.
Lúc nhiều lúc ít, lúc mạnh lúc yếu nhưng chưa bao giờ các cuộc đàn áp ngừng lại hẳn. LM Nguyễn Thanh Đương chánh xứ Quy Hậu, Nghệ An, người bị tù đày nhiều năm trong trại Cổng Trời, cũng là một chứng nhân trong các cuộc bắt bớ này, kể lại việc chính quyền xé lẻ các vị tu sĩ ra thành từng phần nhỏ để dễ cho công việc bắt bớ, ông kể:
“Tất nhiên cũng có dư luận quần chúng thành ra họ cứ làm lẻ dần dần. Mỗi đợt mỗi thầy, mỗi đợt mỗi cha. Nói chung ở ngoài Bắc thì các thầy, các cha đi vào Nam nhiều rồi thành ra nó bắt dần dần cũng hết.
Ở ngoài Bắc hầu như không còn chủng viện, từ Thanh Hóa trở ra không còn. Cho đến khi nó lợi dụng việc trong Nam ra thả bom ngoài ni thì nó dẹp luôn. Nó bắt tất cả các thầy, các cha. Thầy nào không nghe nó thì nó bắt đi tù cho đến khi nào anh đầu hàng về xây dựng gia đình không đi tu nữa thì nó cho về.”
Những trái bom từ miền Nam mang ra đánh phá miền Bắc được cho là do sự chỉ điểm của các tu sĩ hay giáo dân miền Bắc nằm vùng làm gián điệp cho miền Nam. Những cáo buộc vô lý này được cán bộ rỉ tai trong dân chúng khiến nhiều người dân căm phẫn và quay trở lại chống đối những người láng giềng hiền lành của mình.
Cán bộ cũng không bỏ lỡ cơ hội để áp lực người công giáo bỏ đạo. Đối với các chủng sinh cũng vậy, một là bỏ chủng viện về nhà lấy vợ, hai là bỏ thây trong trại giam. LM Nguyễn Thanh Đương kể:
“Thời kỳ đầu tiên năm 1962 họ tập trung cho đến năm 1970 là thời kỳ họ bắt người công giáo. Họ bắt người công giáo bỏ đạo. Các cha, các thầy họ cũng bắt bỏ đạo. Các thầy lúc ấy đang còn là chủng sinh, họ bị giam riêng bởi vì không chịu bỏ đạo. Họ bị bỏ vào xà lim, bị cùm bị kẹp ở trong ấy.
Một số vì yếu quá cũng phải đầu hàng. Một số giáo dân rất kiên quyết. Đặc biệt giáo dân ở giáo phận Vinh là kiên cường hơn cả, họ không chịu bỏ đạo và sau này trong nhà tù đấu tranh bằng cách đọc kinh, cầu nguyện. Họ bắt đi cùm kẹp. Giáo dân ở Vinh thà chịu cùm không chịu bỏ đạo nên nó mới mở dần dần cho.”
“Nó bắt tất cả các thầy, các cha. Thầy nào không nghe nó thì nó bắt đi tù cho đến khi nào anh đầu hàng về xây dựng gia đình không đi tu nữa thì nó cho về.
LM Nguyễn Thanh Đương
LM Chu Quang Tòng, từng là chánh xứ Thọ Ninh nay đã về hưu tại tòa Tổng giám mục Bắc Ninh, trong thời gian ấy đang là một chủng sinh. Ông bị bắt ở tù trong nhiều năm, giải qua nhiều trại giam và cuối cùng về trại Phong Quang, một trại giam khét tiếng sát với biên giới Trung Quốc, LM Chu Quang Tòng kể:
“Ngày 11 tháng 7 năm 1964 thì họ gọi lên cho biết là đi tàu suốt! Tức là lên trại giam Trung ương 2 Yên Bái, trại mà họ giam thiếu tướng De Castries.
Đến tháng Giêng năm 1965 sau khi Mỹ đưa máy bay ra đánh phá vùng Quảng Ninh thì họ lại di chuyển từ trại Yên Bái ngược về biên giới Trung Quốc, về trại Tân Sơn thuộc Lạng Sơn trên vùng Na Sầm, Thất Khê. Thế rồi họ cứ chuyển luôn như mèo tha chuột. Đến năm 1972 thì lại từ đó chuyển lên Phong Quang Lào Cai, giáp biên giới Trung Quốc.”
Không phải chỉ một mình LM Chu Quang Tòng trong trại giam, gần hai trăm người trong giáo phận mà ông quen biết cũng có mặt tại đây khiến không khí càng thêm sôi nổi. Những người tù đặc biệt này quây quần lại với nhau chứng kiến sự bắt bớ các linh mục, tu sĩ và giáo dân ngày một dày dặc hơn.
LM Chu Quang Tòng kể lại một giai đoạn hết sức khó khăn do bị bách hại trong giáo hội miền Bắc:
“Tôi không được gặp tất cả anh em nhưng những người trong giáo phận cho tôi biết thì lúc bấy giờ tất cả chúng tôi có thể nói rằng gần hai trăm anh em, chính xác là 168 anh em bao gồm linh mục, tu sĩ, chủng sinh mà đặc biệt là thành phần các chủng sinh.
Sau khi sự kiện Bùi Chu chịu chức môt loạt gồm 29 linh mục thì người ta sợ các giám mục miền Bắc cho phép truyền chức hết để đáp ứng nhu cầu linh mục nên người ta bắt đi một loạt. Các chủng sinh lớp lớn như chúng tôi, các chủng sinh dự bị mà người ta đoán là có thể truyền chức nay mai thì họ gom góp trong vòng nửa tháng là họ bắt đi.
Có nơi hơn 50 anh em bị bắt, mục đích của các cuộc bắt bớ này là chống đạo thôi. Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1963 tại Bùi Chu, Đức cha chánh Phạm Năng Kính đã truyền chức cho một loạt 28 linh mục sau đó là lớp ngang với chúng tôi đều bị bắt hết.”
Lưu Nam, Nguyễn Quốc Anh cùng nhiều người nữa…
Một trại giam tại miền Bắc (ảnh minh họa). Photo courtesy of phanchautrinhdanang.com. Không riêng linh mục hay tu sĩ bị Nhà nước chú ý mà những người có hoạt động trong những tổ chức của nhà thờ hay giáo hội cũng bị trừng phạt. Ông Lưu Đức Tâm một giáo dân tại Nghệ An kể lại việc cán bộ bắt cha ông là cụ Lưu Nam, với lý do ông cụ hoạt động cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam.
Đây là một tổ chức công giáo mà Nhà nước rất e ngại vì nó tập trung hầu hết trí thức công giáo của miền Bắc và hoạt động của Liên Đoàn được Nhà nước xem là rất nguy hiểm cho đảng. Ông Tâm kể lại việc bắt giữ thân phụ mình như sau:
“Ông cụ hoạt động cho Liên đoàn Công giáo Việt Nam. Liên đoàn này chỉ mang tính chất tôn giáo thôi. Lúc ấy ông cụ làm chủ tịch Liên đoàn và về mặt Nhà nước thì hợp pháp.
Tuy mang tiếng là hợp pháp nhưng đến một hôm thì người ta theo dõi và mời đi họp. Bởi vì ông cụ là người rất giỏi về võ nghệ cho nên khi bắt ông cụ thì người ta nghĩ rằng học trò của ông sẽ phản kháng và lúc ấy thì sẽ đổ máu. Cho nên người ta mời đi họp rồi âm thầm bắt luôn.
Người ta bắt ông cụ tại địa danh tên là Cống Chi Lăng. Một thời gian sau đó người ta đưa về xử án tại quê nhà với án lệnh là 20 năm tù khổ sai.”
“Ông vốn là một người lương dân xuống đây để theo đạo công giáo. Đó là lý do khiến ông bị bắt nhưng người ta không nói ra, người ta bảo là không chịu cải tạo tốt.
Giáo dân Lưu Đức Tâm
Cụ Lưu Nam là một người được hầu hết các linh mục nể trọng vì chí khí quật cường và niềm tin mãnh liệt. Ông bỏ thân trong trại Cổng Trời sau nhiều năm bị giam cầm, bách hại.
Sau cha ruột, người anh rể trong gia đình là ông Nguyễn Quốc Anh cũng bị bắt vì theo đạo công giáo. Ông Lưu Đức Tâm kể về người anh rể này:
“ Ông Nguyễn Quốc Anh là người anh rể. Ông bị 17 năm tù. Ông vốn là một người lương dân xuống đây để theo đạo công giáo. Đó là lý do khiến ông bị bắt nhưng người ta không nói ra, người ta bảo là không chịu cải tạo tốt.
Trước đây ông Nguyễn Quốc Anh cũng đã từng vượt tuyến một lần và bị cải tạo 3 năm. Ông Quốc Anh là một người rất giỏi trong lĩnh vực toán học cho nên người ta mời đi dạy ở nhà trường nhưng ông không đi và sau này về mở trường dạy tư. Lý do ông muốn dạy ở đây vì ông theo công giáo vừa dạy học vừa học đạo luôn. Người ta bắt vì lý do thế.”
Thông tư 1960
Linh Mục Nguyễn Văn Vinh. Linh mục Nguyễn Viết Cường thuộc giáo xứ Vạn Phần, Nghệ An cho biết lịch sử của những cuộc bắt bớ này mà theo ông thì chủ yếu từ một thông tư do ông Hồ Chí Minh ký vào năm 1960, LM Cường kể lại:
“Khi đó có chỉ thị của Trung ương Đảng không cho những thành phần con cái địa chủ phản động đi tu làm linh mục. Đó là thông tư 60 do Hồ Chí Minh ký. Tôi là nạn nhân của thông tư đó.
Ông nào cuới vợ thì thôi còn ông nào không chịu cưới vợ thì nó đánh giá còn nuôi mộng làm linh mục và như vậy thì nó tập trung đi hết. Không qua xét xử cũng không qua lấy cung, nó chỉ tập trung cải tạo cái tội đi tu. Nếu về cưới vợ thì thôi.”
Giữa thập niên 70 lần lượt những người tù này được trả về địa phương, người thì lấy vợ, người thì tiếp tục con đường tu học, LM Nguyễn Viết Cường may mắn hơn cả khi được về lại tòa giám mục để tiếp tục con đường tu hành, ông kể:
“Sau biến cố 75 đến năm 77 thì được tha nhưng tiếp tục quản chế 12 năm nữa. Đến năm 89 về tòa Giám mục và năm 90 mới được làm linh mục, lúc đó đã 59-60 tuổi rồi.
Trước khi làm linh mục trong buổi gặp cuối cùng thì Ủy Ban nhân dân tỉnh Nghệ An có hỏi một câu, bây giờ ông Cường còn ghét cộng sản lắm phải không? Tôi trả lời là cộng sản nào? Cộng sản đúng hay cộng sản sai? Cộng sản đúng là cộng sản nói rằng họ là đầy tớ nhân dân, trung thành với nhân dân. Vui sau nhân dân lo trước nhân dân. Một lòng một dạ phục vụ dân, làm đầy tớ dân Cộng sản đó thì tôi không ghét được.
Sau họ hỏi cộng sản bắt ông là cộng sản đúng hay sai, tôi nói cộng sản đó thì sai quá đi chứ. Bây giờ các ông cho tôi đi học làm linh mục là các ông đã nhận lỗi rồi.”
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, LM Nguyễn Thanh Đương thuộc giáo xứ Quy Hậu, Nghệ An phải chạy trốn vào Nam sau khi được thả rồi "tu chui" mới được truyền chức linh mục, ông nói:
“Khi đó có chỉ thị của Trung ương Đảng không cho những thành phần con cái địa chủ phản động đi tu làm linh mục. Đó là thông tư 60 do Hồ Chí Minh ký.
Linh mục Nguyễn Viết Cường
“Họ có cho về giáo xứ mô! Họ cho mình về nhà quê chịu quản chế ở đó 3 năm rồi sau đó phải trốn vô trong Nam đi làm thuê làm mướn đi học. Trong Nam có một số các cha dạy riêng kêu bằng học chui!”
Cũng là một tù nhân chính trị bất đồng chính kiến trong nhiều năm tại nhà tù miền Bắc, học giả Nguyễn Khắc Cần hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội cho biết cảm nghĩ của ông về những tù nhân công giáo này, ông nói:
“Số người Công giáo có những người chỉ là giáo dân thôi, có những người là frère hay chuẩn bị frère. Nói chung giáo dân họ có cái rất tốt là họ giữ đạo của họ rất nghiêm túc. Mặc dầu bị cấm hay hạn chế vấn đề cầu kinh nhưng họ vẫn làm. Đây là điều đáng tôn trọng.
Khi vi phạm những điều cấm này thì họ bị phạt rất nặng. Cái mức phạt rất nặng nhọc có thể sẽ đi xà lim, có thể bị cắt khẩu phần ăn, rất nhiều hình thức nó chả có quy luật gì cả.”
Có thực sự thay đổi?
Học giả Nguyễn Khắc Cần cũng cho biết hồi gần đây, cán bộ thường nói là đã có sự thay đổi lớn lao trong chính sách đối xử với tất cả tôn giáo trong nước, trong đó có công giáo, tuy nhiên ông không tin đây là sự thành tâm của chính quyền, chẳng qua chỉ là giai đoạn mà thôi. Ông nói:
“Có thay đổi tạm thời cũng là chiến thuật mà thôi còn chiến lược thì hai bên không thể cùng tồn tại được.
Học giả Nguyễn Khắc Cần
“Rõ ràng bây giờ đã có thay đổi nhưng tôi thường nói chuyện với những nhà chính sách ở đây tôi nói thẳng, ông thay đổi hay không thay đổi thì không quan trọng vì các ông là người vô thần mà họ là người hữu thần. Có thay đổi tạm thời cũng là chiến thuật mà thôi còn chiến lược thì hai bên không thể cùng tồn tại được.”
Chúng tôi xin mượn lời của học giả Nguyễn Khắc Cần để làm kết luận bài viết sự bách hại người công giáo trong những năm qua tại miền Bắc Việt Nam.
Kỳ tới là bài thứ tư trong loạt bài “Trại Giam Cổng Trời” mô tả hình ảnh đầu tiên mà người tù chạm trán với nó ngay từ chân núi một vùng xa dân cư của tỉnh Hà Giang. Đường lên Cổng Trời có gì đặc biệt so với các trại giam khác mà nhiều người tù đã từng kinh qua? Mời quý vị đón theo dõi trong kỳ tới.
@@@
"Trại Giam Cổng Trời" (phần 4)
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2010-12-27
Người tù nào mới lên tới Trại giam Cổng Trời đều có tâm trạng chung là cuộc đời mình đến đây là chấm dứt.
RFA file
Tù binh biệt kích Việt Nam Cộng Hòa bị bắt tại miền Bắc vào những năm 1960-1970. RFA file
Một phần bị cán bộ vệ binh áp giải hù dọa, một phần hoàn cảnh thực tế trước mắt khiến người tù cảm thấy một nỗi khiếp sợ đè nặng tâm trí mình. Mời quý vị nghe bài thứ tư trong loạt bài Trại giam Cổng Trời để biết thêm hình ảnh thật của trại giam khét tiếng này qua lời kể từ các nạn nhân của nó. Bài vẫn do Mặc Lâm biên soạn và trình bày sau đây:
Từ quần đảo Gulag…
Trong bài tựa tác phẩm nổi tiếng thế giới mang tên “Quần Đảo Ngục Tù” văn hào Nga, Aleksandr I. Soltzhenitsyn đã viết:
Đại lục ngục tù đó nằm trong lãnh thổ Liên bang Xô viết, nằm rải rác như bày trên một bàn cờ khổng lồ, nằm xen kẽ, nằm chen vào giữa các đô tỉnh thị. Chỗ nào cũng có nó, vậy mà dân Nga tối đại đa số, mù tịt, rất nhiều người chỉ nghe nói mù mờ… chỉ những thằng từng ở bên trong mới biết rõ sự thực.
Bọn họ biết hết nhưng dĩ nhiên họ phải câm nín, không hé môi về sự thực bên trong GULAG.
Tác phẩm mà Soltzhenitsyn viết lại theo lời kể của các bạn tù cùng chính kinh nghiệm ở tù trong suốt 11 năm của ông. Tác phẩm này được chuẩn bị vào năm 1958 cũng là năm Việt Nam bắt đầu áp dụng những chính sách theo sát những gì Liên bang Xô viết làm.
“Tác phẩm mà Soltzhenitsyn viết lại theo lời kể của các bạn tù cùng chính kinh nghiệm ở tù trong suốt 11 năm của ông. Tác phẩm này được chuẩn bị vào năm 1958 cũng là năm Việt Nam bắt đầu áp dụng những chính sách theo sát những gì Liên bang Xô viết làm.
Đất nước Liên bang Xô Viết bao la và tập trung nhiều sắc tộc cho nên dân số trội hơn Việt Nam nhiều lần và vì vậy số tù nhân cũng cao hơn. Tù nhân bị tập trung cải tạo trong một chuỗi trại giam mà văn hào Soltzhenitsyn gọi là quần đảo Gulak. Số trại giam này nhiều hơn các trại của Việt Nam nhưng khoảng cách địa lý và phương pháp cai quản tù nhân thì không khác là bao.
Soltzhenitsyn than thở rằng không mấy người Nga biết được tình trạng nhà tù của Liên bang Xô Viết thì Việt Nam cũng nào có khác. Ngoài những thân nhân người tù, có mấy ai được thông báo rằng ngay bên cạnh nhà mình có một trại giam nhốt đầy những người tù chính trị?
Các nhà giam như Phan Đăng Lưu, Nam Hà, Thanh Cẩm, Hà Tây, Vĩnh Quang, Quảng Ninh, Sơn La, hoặc có những cái tên nghe lạ hơn như Gia Rai, Z30C, Z30D, An Khê, Kannack, Thu Thủy, Plateau, Suối Máu, Long Giao …tất cả những cái tên này dù nghe quen hay không thì ngay cả người dân địa phương khi được hỏi thăm cũng không nhiều người biết nó được xây dựng từ bao giờ.
“Tù nhân bị tập trung cải tạo trong một chuỗi trại giam mà văn hào Soltzhenitsyn gọi là quần đảo Gulak. Số trại giam này nhiều hơn các trại của Việt Nam nhưng khoảng cách địa lý và phương pháp cai quản tù nhân thì không khác là bao.
Còn nếu nhắc Hỏa Lò, Chợ Ngọc, Yên Bái, Lào Cai, Da Thịnh, Tuyên Quang, Phong Quang, hay là Tân Lập, Phú Thọ, Tân Sơn,
Hà Giang, đường lên trại Cổng Trời, quanh năm sương mù. Google earth-Chinh Nghia
Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Trần Nội, Quang Húc, Quyết Tiến…thì ngoại trừ Hỏa Lò người dân miền Nam hoàn toàn xa lạ với những cái tên này mặc dù trong những trại giam khắc nghiệt ấy biết bao người đã bị hành hạ không thương xót.
Tất cả những trại giam này nằm rải rác từ Nam ra Bắc và những trại tại miền Bắc gần như quây quần lại với nhau trong một quần thể khép kín không khác gì quần đảo mang tên Gulag mà văn hào Soltzhenitsyn diễn tả.
…đến trại giam Cổng Trời
Có một trại tù khác rất nhỏ bé và nằm trên cao, xa thăm thẳm với đồng bằng, sở hữu một cái tên nghe rất thơ mộng, đó là trại giam Cổng Trời. Trại giam này rất hiếm người biết tới, kể cả những người tù lâu năm nhất cũng chỉ nghe kể lại vì muốn lên đó phải có bị kêu án 15 năm đối với tù hình sự, còn đối với tù chính trị thì phải là gián điệp, biệt kích hay các linh mục, tu sĩ.
Điểm đặc biệt của trại giam Cổng Trời là độ cao của nó. Không ai biết chính xác trại nằm ở độ cao bao nhiêu nhưng từ 2.000 cho đến 2.500 mét là con số được nhiều tù nhân dùng để diễn tả.
“Trại giam này rất hiếm người biết tới, kể cả những người tù lâu năm nhất cũng chỉ nghe kể lại vì muốn lên đó phải có bị kêu án 15 năm đối với tù hình sự, còn đối với tù chính trị thì phải là gián điệp, biệt kích hay các linh mục, tu sĩ.
Theo người tù Trần Nhật Kim mô tả trong tác phẩm “Cuộc chiến chưa tàn” thì từ trại giam Cổng Trời đi đường bộ xuống Thị xã Hà Giang chừng 36 cây số. Ngược lên phía Bắc là huyện Quản Bạ nằm sát biên giới Việt Trung, chỉ cách trại khoảng 10 cây số. Qua đỉnh núi, phía bên kia là biên giới.
Mặt trước của trại Cổng Trời hướng về đường lộ, hai bên là vách núi thẳng đứng tiếp xúc với những cánh rừng già trải rộng dưới chân. Phía sau trại dựa vào sườn đồi tiếp nối với rặng núi cao. Một vùng đất rộng sau trại được dùng làm nghĩa trang mang tên "đồi Bà Then" nơi vùi lấp những người xấu số.
Cho tới nay những điều mà người ngoài biết về trại giam Cổng Trời vẫn còn rất hạn chế. Khi người tù Kiều Duy Vĩnh cùng với 70 tù nhân công giáo bước vào đây vào năm 1959 thì trong đấy đã có sẵn một số tù hình sự trọng tội.
“Tôi lên cùng anh Nguyễn Hữu Đang người cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm. Chỉ còn mỗi tôi và anh Đang còn sống còn 70 người còn lại chết cả trên trại cổng trời.
Người tù Kiều Duy Vĩnh
-Tôi tên là Kiều Duy Vĩnh sinh năm 1931 tại Hà Nội. Tôi học trường Chu Văn An, thế rồi giữa năm 1950 và 1951 tôi học ở trường sĩ quan Đà Lạt khóa 4. Tôi ra trường và đến năm 1954 tôi là đại úy tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 74 D Việt Nam ở khu 9 Linh Trang thuộc địa phận Hải Phòng.
Vào năm 1954 tôi là con một, tôi không đi di cư và ở lại miền Bắc, tới năm 1959 tôi bị bắt đi tù. Tôi tình nguyện thứ nhất 10 năm từ năm 1959 tới 1969 tại trại Cổng Trời. Ở đó tôi gặp tất cả những người tử tù đặc biệt là 72 người đầu tiên. Tôi lên cùng anh Nguyễn Hữu Đang người cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm. Chỉ còn mỗi tôi và anh Đang còn sống còn 70 người còn lại chết cả trên trại cổng trời.
Cổng Trời, đi hoài không tới
Trại giam Cổng Trời chứa rất nhiều loại tù nhân, hơn phân nửa là tù hình sự có án từ 15 năm trở lên, có cả tử tù chờ ngày hành quyết. Tù chính trị chỉ bằng phân nửa của tù hình sự nhưng cũng đủ để cho cán bộ quản lý phải lo âu vì họ luôn tuyên bố rằng tù chính trị là loại tù nguy hiểm, chống phá Nhà nước cách mạng cần phải loại trừ.
LM Nguyễn Hữu Lễ cho biết xuất xứ của biệt danh Cổng Trời như sau:
“Cổng trời nó có hai ý nghĩa, một nghĩa đen và một nghĩa bóng. Cái nghĩa đen là vị trí nó nằm trên vùng núi cao khoảng chừng 2.500 thước trên mặt biển, gần như đụng trời rồi. Còn nghĩa bóng thì cổng trời là nơi khi đến đó như vào nhà chờ đợi để về trời mà thôi, không quay về trần gian nữa
-Cái trại "cổng trời" là nick name thôi, tên thật sự của nó là trại Quyết Tiến. Cổng trời nó có hai ý nghĩa, một nghĩa đen và một nghĩa bóng. Cái nghĩa đen là vị trí nó nằm trên vùng núi cao khoảng chừng 2.500 thước trên mặt biển, gần như đụng trời rồi. Còn nghĩa bóng thì cổng trời là nơi khi đến đó như vào nhà chờ đợi để về trời mà thôi, không quay về trần gian nữa nên được gọi là cổng trời. Nguyên cái chữ cổng trời thôi thì người ta đã thấy hình tượng nó rất là ghê gớm rồi.
Cái tên mà LM Nguyễn Hữu Lễ cho là ghê gớm ấy được nhiều người tù lý giải theo cách nghĩ của mình và đôi khi rất thực tế và không kém khôi hài. Người tù binh Đỗ Lệnh Dũng kể lại kinh nghiệm về cái tên Cổng Trời như sau:
-Đoàn tù binh chúng tôi được di chuyển tới rất nhiều trại, trong thời gian đi các trại đó thì có một lần chúng tôi đến cái trại để
Người tù biệt kích Hoàng Đình Mỹ đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Source Đỗ Hiếu RFA làm láng. Khi chúng tôi khiêng tre về thì cái trại ấy trên cao lắm cho nên chúng tôi rất mệt, tôi than mệt thì người giữ chúng tôi mới nói, các anh không biết chỗ này người ta gọi là cổng trời ơi à? Lên tới đây thì phải kêu trời! từ đó tôi biết địa danh đây là trại Cổng Trời!
“Cổng Trời chỉ có đường lên mà không có đường xuống. Một năm 12 tháng chỉ thấy mây mù phủ đầy chứ không thấy gì khác. Rất là đói khổ, cán bộ rất nghiêm khắc, hở ra thì kỷ luật. Mà kỷ luật thì nó tuyên bố rằng khôn thì sống mà dại thì chết.
Người tù Hoàng Đình Mỹ
Cái tiếng kêu trời đứt ruột đó không biết người tù tại đây phải kêu lên bao nhiêu lần trong suốt chiều dài ngày tháng ở tù của mình. Người tù Hoàng Đình Mỹ, một biệt kích có số năm ở tù khó có ai sánh nổi: 32 năm trời trong nhiều trại giam mà trại Cổng Trời là một, ông nói về Cổng Trời như sau:
-Cổng Trời chỉ có đường lên mà không có đường xuống. Một năm 12 tháng chỉ thấy mây mù phủ đầy chứ không thấy gì khác. Rất là đói khổ, cán bộ rất nghiêm khắc, hở ra thì kỷ luật. Mà kỷ luật thì nó tuyên bố rằng khôn thì sống mà dại thì chết. Đã vào đây phải tuân theo lệnh của Nhà nước mà không tuân theo thì chỉ có chết thôi.
Nguyễn Hữu Đang và Cổng Trời
Người tù nổi tiếng nhất miền Bắc là ông Nguyễn Hữu Đang, người từng lãnh trọng trách tổ chức buổi lễ tuyên bố độc lập cho chính phủ Hồ Chí Minh. Ông cũng là con chim đầu đàn của phong trào Nhân Vân Giai Phẩm, bị bắt khi phong trào này đòi quyền tự do sáng tác, nhưng đã phải chịu nhục hình trong nhiều năm tại Cổng Trời. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo người Đức Heinz Schütte, Nguyễn Hữu Đang cho biết:
-Trại này có truyền thuyết là "vào thì không ra", đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng gì để trở về với gia đình. Trại Cổng Trời là một lò sát sinh đầy bí mật, tàn bạo và khoa học của Hà Nội. Trại này đã bí mật chôn vùi 300 anh em tù biệt kích miền Nam và hàng ngàn tù chính trị, tu sĩ và linh mục Công giáo cũng như giới trí thức chống chủ nghĩa CS của chính miền Bắc.
“Trại này có truyền thuyết là "vào thì không ra", đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng gì để trở về với gia đình. Trại Cổng Trời là một lò sát sinh đầy bí mật, tàn bạo và khoa học của Hà Nội. Trại này đã bí mật chôn vùi 300 anh em tù biệt kích miền Nam và hàng ngàn tù chính trị, tu sĩ và linh mục Công giáo
Người tù Nguyễn Hữu ĐangNhững thông tin về trại giam Cổng Trời từ chính những người trong cuộc có lẽ đã nói lên được phần nào cái diện mạo của nó. Nếu ta muốn biết sâu hơn một chút thì ông Kiều Duy Vĩnh, người bạn tù của Nguyễn Hữu Đang từ những ngày đầu lên Cổng Trời có lẽ là người có đủ thẩm quyền nhất để mô tả nó ở khía cạnh khác, khía cạnh quản lý nó từ công an trại giam, hay còn gọi là trại lao cải. Người tù Kiều Duy Vĩnh miêu tả chính xác cái địa danh này theo cách gọi của Cục Lao Cải:
-Trại cổng trời là cái tên một địa danh mà dân gian đặt ra vì ở đấy nó là một cái dốc cổng trời. Còn địa danh do Bộ Công an, Cục Lao cải thì tên chính thức của nó là C65 HE công trường 75A Hà Nội. Không ai biết địa điểm của nó ở đâu, người ta muốn hỏi trại Cổng trời ở đâu thì đến Hà Nội, hỏi Bộ Công an, và Bộ công an thì ..đấy địa chỉ đấy...
Trước năm 1959 tôi với anh Đang lên thì hầu như không có đường. Người ta chở chúng tôi tới Hà Giang rồi đi một đoạn nữa, rồi đi một đoạn nữa...cứ thế. Lúc ấy tôi đã là một sỹ quan rất biết địa hình lắm mà vẫn không biết vị trí thật của nó ở chỗ nào!
Tôi ở đấy 10 năm từ 1959 cho tới 1969 thì tôi được thả về.
Họ là ai?
Ngoài đợt cải tạo 70 giáo dân, tu sĩ và linh mục, trại giam Cổng Trời còn là nơi giam giữ những tội nhân mà chế độ xem là đặc biệt nguy hiểm. Họ là những tù binh chiến tranh, là điệp viên và biệt kích nhảy toán ra miền Bắc trước năm 1975 rồi những sỹ quan cao cấp, tù nhân chính trị ngay cả những người sinh trưởng tại miền Bắc được cho là nguy hiểm cũng bị bắt vào đây. Người tù biệt kích Hoàng Đình Mỹ cho biết công tác chính của một biệt kích để ta có thể hình dung sự nguy hiểm của họ đối với chế độ miền Bắc như thế nào, ông nói:
-Gián điệp, biệt kích ra ngoài ấy thám sát đường mòn Hồ Chí Minh, phá các công trình, những kho tàng rồi báo trong này để ra oanh tạc. Rồi bắt cóc rồi huấn luyện cán bộ những vùng mình hoạt động.
“Ngoài đợt cải tạo 70 giáo dân, tu sĩ và linh mục, trại giam Cổng Trời còn là nơi giam giữ những tội nhân mà chế độ xem là đặc biệt nguy hiểm. Họ là những tù binh chiến tranh, là điệp viên và biệt kích nhảy toán ra miền Bắc trước năm 1975 rồi những sỹ quan cao cấp, tù nhân chính trị
Tù binh Đỗ Lệnh Dũng kể lại việc ông và những tù binh khác làm những cái láng trong trại giam Cổng Trời cho người đến sau, những láng trại này hứa hẹn sẽ nhốt rất nhiều tù nhân khi chiến tranh kết thúc, ông nói:
Tôi bị bắt vào cuối năm 1973 họ xếp vào dạng tù binh chiến tranh. Đến năm 76 trong thời gian tôi ở Bắc thì cũng có khoảng 500 tù binh đa số là sỹ quan họ tập trung hết lại. Cùng năm 76 khi miền Nam bị mất thì số tù binh ấy được cho về miền Nam trên dưới 200 người, số còn lại chúng tôi nhận được công tác, giao cho chúng tôi đi xây dựng những cái láng để" chuẩn bị cho bạn bè của các anh từ miền Nam ra đây học tập".
Họ nói chúng tôi làm xong công tác ấy thì họ trả chúng tôi về vì hòa bình rồi giữ các anh làm chi! Sau đó chúng tôi được đi các nơi để xây dựng chỗ ở cho anh em miền Nam. Chúng tôi làm những cái láng rất đơn sơ, chỉ là những cái sạp nằm có mái che tượng trưng rồi sau đó anh em ra sẽ tự củng cố lại chỗ ăn ở...
Định mệnh trùng hợp
Trong lời nói đầu của tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù, có một đoạn làm cho người Việt Nam nhiều thế hệ sau khi nghe đến cái tên trại giam Cổng Trời cần phải để ý:
Vì một tình cờ trớ trêu của lịch sử, một phần sự thực được phép công bố, dù chỉ một phần nhỏ nhoi, có nghĩa. Những bàn tay mới đây còn nắm cứng tay chúng tôi để xiết còng cho chặt thêm… chính những bàn tay ấy giờ đây chia ra hoà giải: “Thôi dĩ vãng đã qua để nó qua luôn… gợi nhớ làm chi? Cứ nhìn về quá khứ hoài dám mất một mắt!”. Đồng ý. Tuy nhiên tục ngữ đất nước chúng tôi lại có câu: “Có quá khứ mà quên đi là mù cả hai mắt”.
Sự trớ trêu của lịch sử trong thời kỳ Soltzhenitsyn sống có khác gì với tình trạng Việt Nam trong thời gian qua? Công khai những điều mà chính nạn nhân của nó muốn giấu đối với xã hội, với lịch sử thì người bị bách hại sẽ được những gì?
Những tù nhân này không còn sợ hãi nhưng bị ám ảnh bởi một ký ức đau thương đã nghẹn lời họ. Và rồi sống chung với những lời ngọt ngào khuyên rằng hãy quên đi quá khứ vì chính quá khứ sẽ làm đau đớn, đã góp phần làm cho họ trầm tư hơn trước những kỷ niệm đầy máu và nứơc mắt.
Trần Nhật Kim, người bạn tù mệt mỏi
Bước vào trại Cổng Trời, người tù nào cũng được chiếu cố kỷ lưỡng bởi các giám thị trước khi nhận lãnh những hình phạt từ thiên nhiên, con người trong suốt nhiều năm trời. Người tù biệt kích Trần Nhật Kim trải qua các trại giam như Phan Đăng Lưu, Gia Rai, Nam Hà rồi Cổng Trời, Thanh Cẩm nhưng không nơi nào để lại vết tích đau đớn như tại Cổng Trời. Những ngày đầu tiên của ông khi bước chân vào trại vẫn còn ám ảnh ông mãi đến bây giờ:
“Các anh tha hồ trốn trại, nhưng báo cho anh em biết là cái trại này chưa có một ai trốn ra mà thành công cả. Các anh có hai con đường, một con đường các anh đã vào trại thì các anh đã vào rồi. Còn con đường thứ hai các anh đi là cửa sau để lên đồi Bà Then. Đồi Bà Then là cái nghĩa trang....
- Khi chúng tôi tới Cổng Trời sau một đêm thì hôm sau tôi gặp một cán bộ. Anh cán bộ này bảo rằng đây là chỗ ở cuối cùng của tôi, và tôi đừng nghĩ gì tới gia đình cũng như đừng hy vọng gì trở về với gia đình nữa. Ngày hôm sau tôi gặp thiếu úy Tố là người coi về giáo dục.
Thiếu úy Tố bảo với anh em chúng tôi rằng các anh tha hồ trốn trại, nhưng báo cho anh em biết là cái trại này chưa có một ai trốn ra mà thành công cả. Các anh có hai con đường, một con đường các anh đã vào trại thì các anh đã vào rồi. Còn con đường thứ hai các anh đi là cửa sau để lên đồi Bà Then. Đồi Bà Then là cái nghĩa trang để chôn những người tới trứơc chúng tôi. Đó là một đòn tâm lý đối với anh em tù miền Nam.
Đồi Bà Then mà người tù Trần Nhật Kim cho biết mở ra một câu chuyện lớn hơn phía sau trại giam mang tên Cổng Trời mà lương tâm loài người khó thể chịu nổi. Phải chăng nơi ấy chỉ là một nghĩa trang cho tù nhân hay còn những gì khủng khiếp hơn cái chết nhưng chưa được công bố? Mời quý thính giả tiếp tục theo dõi bài kế tiếp với những lời kể của những tù nhân thế kỷ về đời sống kinh hoàng của họ trong nhà tù này.
@@@
"Trại Giam Cổng Trời" (phần 5)
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2010-12-27
Nhiều chi tiết về các vụ bắt giữ các tù nhân cũng như hoàn cảnh của họ khi bị bắt vô Trại Giam Cổng Trời đã được phơi bày.
Photo courtesy of hungviet.org
Một tù nhân tại trại tù miền Bắc
Kỳ này là lời kể của nhân chứng về tất cả nỗi khổ đau, giành giật sự sống cũng như chiến đấu chống lại cái lạnh cái đói, cùng mọi thứ ở địa ngục trần gian Cổng Trời.
Lạnh ...
Người tù tại Cổng Trời luôn nghĩ rằng mình sẽ chết, không biết ngày nào thôi nhưng niềm tin vào cái ngày cuối cùng ấy cứ đung đưa trong trí tưởng của hầu hết những người tù tại đây.
Họ không còn hy vọng, không còn lo âu cho ngày ra trại và thậm chí không hề nghĩ rằng mình có thể sống sót để ra khỏi nơi này trong một ngày đẹp trời nào đó.
Người tù Cổng Trời tận dụng hết mọi khả năng sinh tồn trong một cộng đồng nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ nhưng lại dư dật hình phạt từ con người lẫn thiên nhiên.
Những trang sách trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr Soltzhenitsyn diễn tả cái lạnh giá mà người tù nước Nga phải chịu đựng suốt mùa đông đã đánh động con tim nhân loại bao nhiêu, thì khi nghe người tù trại giam Cổng Trời kể lại chính bản thân họ chịu đựng cái lạnh của đất trời Hà Giang sẽ khiến người nghe chạnh lòng đến rơi lệ bấy nhiêu.
Trại giam nằm trên độ cao hơn hai ngàn mét và độ lạnh của nó luôn luôn ở 0 độ. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ kể lại những ngày khốn đốn vì lạnh giá tại đó như sau:
"Chúng tôi lên đó đúng vào đêm Giáng sinh 26 tháng 12 năm 1977 và nhiệt độ trên đó lúc nào cũng ở độ âm tức là dưới 0 độ mà con người ta chỉ được mang lên đó một chăn, một chiếu, một bộ quần áo thì hãy tưởng tượng sự hành hạ của thiên nhiên đối với con người như thế nào!
“...nhiệt độ lúc nào cũng dưới 0 độ mà chỉ được mang lên một chăn, một chiếu, một bộ quần áo thì hãy tưởng tượng sự hành hạ của thiên nhiên đối với con người như thế nào!
LM Nguyễn Hữu LễLúc đó tôi xung phong vào cái đội đóng quan tài vì tôi không biết nghề nghiệp gì cả cho nên người ta đưa tôi vào đội này để chôn những người tù. Có nhiều ngày chúng tôi làm bở hơi tai mà không kịp cung cấp cho trại bởi vì người chết quá đông, mỗi ngày có thể chết 5 người hay 3 người nhất là những mùa đông nặng nề, tù nhân chỉ còn da và xương mà thôi.
Tôi tin chắc các linh mục miền Nam bị đưa lên đó, nhất là những linh mục già nổi tiếng như cha tổng giám đốc tuyên úy công giáo ngày xưa như cha Đinh Cao Thuấn, cha Cao Đức Thuận đương kiêm giám đốc tuyên úy công giáo. Những cha già này cũng có mặt trên trại cổng trời. Nói chung từ thiên nhiên đến con người tất cả đều đứng về phía nghịch với chúng tôi."
Thiên nhiên bị cáo buộc đã quá khắc nghiệt nhưng không thể trả lời tại sao lại tiếp tay hành hạ người tù như vậy. Câu trách cứ não lòng này sẽ không bao giờ người tù nhận được sự giải thích từ bà mẹ trái đất.
...và đói
Cái lạnh đưa người tù vào chỗ chết, cái đói thì đẩy họ vào địa ngục trần gian. Chỉ có địa ngục mới có hình ảnh đói khủng khiếp đến như vậy. Người tù đói thâm niên, đói mà không biết mình đói vì bao tử đã quen với cái thiếu thốn cùng cực. Cái gì họ cũng có thể ăn được nhưng nào phải dễ kiếm cái để ăn? Bốn bức tường ngăn họ với bên ngoài mà đâu phải là nhà dân, chỉ có rừng núi u ám kéo dài và sương mù buốt giá quanh năm.
Bữa ăn của người tù trong các trại giam toàn miền Bắc đã ít nhưng so với trại giam Cổng Trời thì nơi đây lại càng ít hơn. Đường xa diệu vợi làm cán bộ rất ngại xuống núi. LM NguyênThanh kể lại chuyện ăn uống trong trại:
"Ăn thì chỉ có khoai mì, và những loại sắn đã chạy chỉ vàng tức là đã chảy mủ ra rồi, ăn rất độc. Bằng chứng là Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và nhiều người đã từng ngộ độc khoai mì, tất cả đều ói mửa và gần như ngất xỉu. Chúng tôi chỉ được ăn khoai mì với lại nước muối mà thôi."
Phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn hôm 30-4-1975. AFP PHOTO
Chưa hết, nếu nghe người tù Trần Quốc Định, tác giả tập truyện Thép Đen nổi tiếng kể về cái đói đã làm cho người tù đau khổ như thế nào thì lương tâm con người không thể không thức dậy:
"Chúng tôi đói đến nỗi phải sàng phân mà ăn. Là vì ăn hạt bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó!
Cái đói làm cho con người mất nhân tính. Nó kinh khủng hơn hơn cái lạnh một bậc vì khi lạnh người ta có khuynh hướng ngồi lại với nhau để tìm hơi ấm, còn khi đói, con người trở thành thú dữ và khi đã đói thì bao tử gầm rú đòi ăn khiến trí óc không còn minh mẫn.
Đã có biết bao nhiêu tù nhân trong các trại giam cộng sản đánh mất cả lương tâm chỉ vì một mẩu bánh, một cọng rau. Người cộng sản đầy kinh nghiệm biến tù nhân thành thú dữ qua việc kiểm soát bao tử của họ.
Người tù Nguyễn Chí Thiện kể lại cái đói chung của tất cả trại giam miền Bắc, ông nói:
"Ăn thì ăn đói không có gì cả. Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh khủng."
“Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử.
Người tù Nguyễn Chí ThiệnNgười tù thường được tự cải thiện bữa ăn bằng cách trồng rau hay khoai nhưng khi thu hoạch thì gặp những điều cười ra nước mắt khác. Người tù Nguyễn Chí Thiện với 27 năm trải qua nhiều trại giam của miền Bắc, là chứng nhân của biết bao cái chết vì đói, kể lại:
"Chúng tôi trồng ra không biết bao nhiêu là su hào bắp cải, nhưng nó đem ra Lào Cai Yên Bái nó bán. Có lần nó không bán được nó chất mười mấy tấn bắp cải ở lối đi làm, mà chúng tôi không được ăn. Không có rau ăn. Giám thị nó nói tiêu chuẩn của các anh không được ăn, thế thôi. Cái đống rau mười mấy tấn đó để lâu nó thối.
Bao nhiêu công tù đem ủ thành phân mà tù không được ăn. Anh tù nào đi ngang đống rau thối mà lấy thì báng súng nó đánh gục ngay. Chính vì chính sách tiêu diệt con người như thế cho nên tỷ số người tù miền Bắc chết trong trại rất nhiều."
Bị cách ly
Người tù tại giam Cổng Trời đói trơ xương nhưng không được thăm nuôi từ thân nhân của mình. Chính sách cách ly tuyệt đối người tù với bên ngoài đã làm cho bộ mặt nhà tù càng thêm rùng rợn. Không ai biết việc gì xảy ra bên trong và người bên trong cũng không thể hay biết điều gì xảy ra bên ngoài.
Cả thế giới như ngưng lại trong trí nhớ người tù Cổng Trời, họ chịu đựng âm thầm và kiên tâm đến kỳ lạ. Mọi thứ thực phẩm nhỏ bé nhất cũng bị kiểm soát gắt gao đến nỗi ông Nguyễn Hữu Đang, một cán bộ phụ trách ngày lễ tuyên ngôn Độc lập cho chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm trả lời phỏng vấn của nhà báo người Đức Heinz Schütte cho biết:
"Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài.
“Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới.
Ông Nguyễn Hữu Đang
Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận…"
Kiều Duy Vĩnh, người sống sót cùng với Nguyễn Hữu Đang trong khi 70 bạn tù tại trại Cổng Trời đều đã bỏ mình tại đây. Ông may mắn có được một người mẹ vừa liều lĩnh vừa thông minh và đầy kiên nhẫn. Bà đã lặn lội xuôi ngược không biết bao nhiêu ngày tháng để tìm cho được nơi giam giữ con trai mình. Bà đối diện thẳng với công an trại giam các cấp, hỏi và buộc họ phải trả lời con trai bà bị họ nhốt ở đâu. Cuối cùng thì bà toại nguyện, biết chỗ của con nhưng không tài nào thăm được, ông Vĩnh viết:
"Mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra hồ Thiền Quang chưa đến 1 km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ trại tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết. Mẹ tôi đời nào chịu. Và cuối cùng họ phải trả lời là tôi đang ở nhà tù Cổng Trời ở Hà Giang. Thế là mẹ tôi đi Hà Giang tìm nhà tù đang nhốt tôi. Đi với 2 bàn tay trắng: không có mảnh giấy phép đi tiếp tế cho tù."
Vất vả như thế nhưng công an không cho bà lên Cổng Trời! Thế là bà cụ đành quay trở lại!
Còn gì bi đát hơn khi nhận được thư mẹ nhưng không biết số phận mình sẽ bị định đoạt như thế nào. Ngày về quá xa và thiếu thốn hàng ngày lại nằm sát bên hành hạ…
Không bao giờ trở lại
So với Kiều Duy Vĩnh thì người tù Lưu Nam còn bi thảm hơn, ông không bao giờ được gặp mặt gia đình cho tới khi chết mặc dù con cái hết lòng tìm kiếm. Con trai của ông là ông Lưu Đức Tâm kể:
"Ông bố ở trại giam Quyết Tiến ở Hà Giang, còn gọi là trại giam Cổng Trời. Trong 10 năm đó gia đình không có tin tức gì thì dẫu biết cũng không thể đi thăm được. Cho đến năm 1961 gia đình nhận được một bức thư của ông cụ gửi về nên mới biết ở trại đó.
Lúc bấy giờ gia đình cũng không có điều kiện để ra đi thăm được bởi vì mẹ ở nhà ốm đau bệnh tật, con cái thì còn nhỏ thành ra không đi thăm được, cho nên có gửi lên cho ông bố một ít quà qua cái địa chỉ đó. Gửi bằng con đường bưu điện nhưng không biết ông cụ có nhận được hay không, tới năm 1962 thì ông cụ mất.
Gia đình không hề được báo tin là chết, tức là không có giấy báo tử. Mãi cho đến sau đó anh em đi ra ngoài Hà Nội mới hỏi Bộ Nội Vụ, người ta mới bảo rằng ông đã mất. Sau đó gia đình tìm đến Cục Lao Cải để xin cái giấy báo tử về. Sau khi xin được giấy báo tử rồi sau đó lên đưa mộ của ông về. Hiện nay mộ của ông ở tại quê nhà."
Cách ly người tù là biện pháp chống lại sự tuyên truyền những hình ảnh đối xử không mấy nhân đạo của trại giam sẽ rò rỉ ra bên ngoài hữu hiệu nhất. Sự im lặng khép kín này nhiều chục năm qua đã tránh tiếng được cho chính quyền miền Bắc đối với dư luận thế giới, thế nhưng dư luận trong giới tù nhân và thân nhân họ với nhau thì sao?
Trong bài tới, những nhân chứng khác sẽ kể lại cuộc sống hàng ngày của họ khi phải đối diện với những sự hành hạ từ cai tù, đầu gấu, và nhất là cái chết rình rập từng giờ ...
Hết trích
(còn tiếp .. )
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment